Các liên doanh với nước ngoài lẫn các công ty ôtô trong nước đều đang có những động thái cho thấy họ đã sẵn sàng phương án cho việc có thể dừng sản xuất trong tương lai.
Thêm một lần đánh tiếng về khả năng hãng lắp ráp ôtô nước ngoài có thị phần lớn nhất Việt Nam, Toyota, sẽ rời bỏ Việt Nam. Lòng vả cũng như lòng sung, chắc các hãng lắp ráp ôtô liên doanh khác cũng đang tính tới những kế hoạch ‘hậu tự do thương mại’ cho các hoạt động làm ăn của mình. Còn các hãng lắp ráp ôtô nội địa, từ trên bờ vực phá sản như Xuân Kiên hay đang đứng đầu thị trường lắp ráp ôtô nước nhà như Trường Hải, cũng đang cho thấy những kế hoạch làm ăn mới ngoài ngành ôtô của mình.
Và một khi đã có dự định đó rồi, thì cái lý cho dự định đó cũng dễ biện luận vì quyết định hướng nào thì sẽ có lập luận kiểu ấy. Trong một hội nghị mới đây về liên kết doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch, lúc cuối tháng 8, ông Abe Ichiro, cố vấn cấp cao về xúc tiến đầu tư của tổ chức JICA, Nhật Bản, đã khẳng định lại rằng Việt Nam có các lợi thế về nhân lực, thị trường, doanh nghiệp lớn nhưng công nghiệp hỗ trợ lại rất yếu. Ông dẫn chứng: “Nhiều người có quan điểm ‘sản xuất nội địa, tiêu thụ nội địa’ nhưng Toyota không nghĩ vậy, đặc biệt xét về hiệu quả kinh tế. Hiện Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu xe/năm trong khi Toyota Việt Nam chỉ sản xuất 40.000 chiếc/năm tại Việt Nam, do đó chi phí tăng 20% so với Thái Lan”.
Kết luận là gì? Rất đơn giản: nhập xe Toyota sản xuất ở Thái Lan về bán ở Việt Nam sẽ kinh tế hơn.
Vâng, với số lượng lắp ráp khoảng hơn 100.000 ôtô mỗi năm của Việt Nam quả là không đủ để phát triển hoạt động sản xuất cho bất cứ thứ linh kiện nào cả, dù là cái đinh vít. Có điều chẳng cần đến JICA thì doanh nghiệp Việt cũng quá biết sự bất cập này vì họ đang là người trong trận chịu cuộc. Có nhà doanh nghiệp Việt vừa cho biết ông từng từ chối đơn đặt hàng của Toyota vì họ chỉ đặt có 2.000 đơn vị, trong khi việc thẩm định chất lượng cho linh kiện cũng tương đương như đơn đặt hàng 2 triệu chiếc. Ông khẳng định lại rằng vấn đề không phải là doanh nghiệp Việt không thể sản xuất được cái đinh vít theo yêu cầu, dù khắt khe đến đâu, của thị trường, mà là sản xuất ra sẽ không kinh tế.
Nhưng sự việc sẽ là khác hẳn nếu chúng ta nhìn sang công nghiệp điện tử, nơi Việt Nam đang là điểm đến của các doanh nghiệp đa quốc gia khổng lồ. Và trong lĩnh vực này, cũng như trong lĩnh vực ôtô, thì Việt Nam cũng chẳng thể cung ứng được một tỷ lệ đáng kể các sản phẩm phụ trợ nào cho các tập đoàn đa quốc gia, như trường hợp công ty Samsung đã kêu gọi doanh nghiệp Việt tham gia vào cung cấp linh kiện cho họ mà chẳng được, nhưng chẳng có ai bỏ đi. Trái lại, các hãng đang ùn ùn kéo đến và nay thì đã đủ mặt anh hào công nghiệp điện tử thế giới ở nước ta.
Vậy nên nếu Toyota, và các hãng khác, có phải rời khỏi Việt Nam, thì lý do nêu ra lúc nào cũng có. Và các lý do đó đều khó có thể phản bác được, nhưng chắc chắn không chỉ là câu chuyện thiếu vắng công nghiệp phụ trợ. Vì vấn đề là khi bắt đầu đầu tư ở Việt Nam một phần tư thế kỷ trước, các hãng họ cũng có đủ lý do để luận cứ cho việc lắp ráp ôtô đó, trong đó có cả câu chuyện công nghiệp phụ trợ. Và các nhà lập chính sách Việt Nam cũng có đủ lý do để khẳng định việc đầu tư vào công nghiệp ôtô đó là một sự khôn ngoan, nếu không muốn nói là siêu khôn ngoan, bất chấp việc thiếu vắng công nghiệp phụ trợ.
Bản chất câu chuyện có lẽ phải được nhìn sâu hơn vào thực chất quá trình phát triển của Việt Nam, mà công nghiệp ôtô là một chỉ báo hết sức đặc sắc cho quá trình đó. Có hai điểm nên tính tới ở đây về mặt đặc tính xã hội của quá trình phát triển mà người Việt đã chọn để có thể lý giải sự không thành công của công nghiệp ôtô nước nhà.
Ôtô vẫn là tài sản đủ lớn và là biểu trưng quá lớn trong quan nhiệm nhiều người.
Thứ nhất, chúng ta, những người Việt, một phần tư thế kỷ trước đã rất muốn tham gia vào việc sản xuất ôtô để mang lại sự giàu mạnh cho đất nước, để cho xứng với những cố gắng lớn lao đã hy sinh cho việc giành độc lập trong bao năm ròng. Nhưng công nghiệp ôtô Việt Nam đã không phát triển được vì thiếu các điều kiện cần thiết của một thị trường đúng chuẩn: quy mô thị trường đủ lớn, chính sách ổn định, doanh nghiệp tư nhân được thuận lợi để làm ăn…, những cái đã được nói đến quá nhiều trong những năm qua. Tuy vậy, đằng sau đó còn thiếu một điều kiện cơ bản khác, điều kiện đủ để làm ôtô: chiếc ôtô là một tài sản đủ lớn và là một biểu trưng quá lớn, trong quan niệm của nhiều người, về một sự bất bình đẳng trong xã hội nên thị trường tiêu dùng ôtô đã không được khuyến khích. Nói cách khác, ôtô là một vật tiêu dùng nhạy cảm vì liên quan đến định hướng xã hội của sự phát triển kinh tế rất đặc thù của nước ta.
Thứ hai, người Việt quen tư duy trực quan, cụ thể. Với ôtô, chúng ta thấy rõ những bộ phận cơ khí cơ bản của nó, thấy nó khá quen thuộc và chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm được dù rằng các bộ phận của một chiếc ôtô hiện đại cũng phức tạp chẳng kém gì các sản phẩm cao cấp nào khác, và chúng cũng tích hợp trong đó đủ thứ công nghệ của thời đại. Và chúng ta đã đặt cọc vào công nghiệp ôtô quá nhiều, theo quán tính của đường lối phát triển công nghiệp nặng một thời cũng có, mà cũng muốn khẳng định rằng đường lối công nghiệp nặng đó vẫn đúng cũng có. Cho nên biểu trưng của công nghiệp ôtô đối với trình độ công nghiệp hoá của một quốc gia quá lớn và quá biểu cảm, dễ thấy nên các nhà lập chính sách vẫn cứ phải cố sức theo đuổi, dù rằng trong thâm tâm cũng đã cảm thấy hụt hơi từ rất lâu rồi. Đặc biệt là khi các tín hiệu thị trường đều không có lợi cho sản xuất ôtô theo cung cách hiện nay ở Việt Nam, trong khi những điều kiện của các hiệp định tự do thương mại lại rất khắt khe..
Vậy là sự phát triển công nghiệp ôtô trong những năm qua đã bị vướng vào hai rào cản khó gỡ: định hướng xã hội của sự phát triển nền kinh tế và sự uyển chuyển tuân theo tín hiệu thị trường của những nhà điều hành nền kinh tế. Tuy là hai rào cản, nhưng thực tế đó vẫn chỉ là một: chúng ta chưa cải tổ nền kinh tế triệt để theo cơ chế thị trường. Và kết quả phát triển công nghiệp ôtô ở đây cho thấy một cung cách phát triển khá là lạ lùng của nền kinh tế nước nhà, cái mà bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế thực tiễn nổi tiếng của Việt Nam, đã khẳng định, một cách vui vẻ, hồi trong tháng, rằng chúng ta là một nền kinh tế không muốn phát triển.
Tình thế ngày hôm nay là các hãng bắt đầu đánh tiếng để rút khỏi Việt Nam như là một quốc gia có tên trên bản đồ công nghiệp ôtô thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn mới chỉ ở mức độ đánh tiếng mà chưa đưa ra quyết định cuối cùng vì, nói thế, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng lớn, xứng đáng để đầu tư nghiêm túc cho phát triển công nghiệp ôtô. Và, hơn thế, các hãng vẫn đang còn trông chờ vào những thay đổi hy vọng sẽ đến.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu do Uỷ ban kinh tế Quốc hội vừa tổ chức tại Thanh Hoá lúc cuối tháng 8, tất cả những người tham dự hội nghị đều dễ dàng nhất trí với nhau là để phát triển kinh tế, Việt Nam phải có những cải cách sâu rộng về thể chế. Có điều, điều này đã được nhắc đi nhắc lại mấy năm rồi. Nay thì nhiều vị chuyên gia kinh tế quan trọng lại lớn tiếng rằng kinh tế Việt Nam không phải là có nguy cơ tụt hậu với ASEAN, mà là đã tụt hậu trên thực tế rồi. Vậy thì đã đến lúc từ nhận thức phải được chuyển sang hành động.
Vấn đề xem ra quá trừu tượng từ góc độ các chuyên gia, nhưng rất đơn giản từ góc độ người tiêu dùng: càng ngày khả năng mua một chiếc ôtô phù hợp với thu nhập của một người thuộc tầng lớp trung lưu, làm ăn lương thiện trong nhiều năm, là càng xa vời. Mà điều này không phù hợp với sự phát triển bình thường của một quốc gia.
Và sự cải cách thể chế kinh tế chính là cái hành động mà các hãng sản xuất ôtô đang trông chờ để có thể ở lại với Việt Nam, một thị trường mà họ đã gắn bó, có nhiều ràng buộc và đã cùng trải qua những thăng trầm trong suốt một phần tư thế kỷ.
Theo Xedoisong.vn
Để lại một bình luận