Cầu cứng là cách gọi thuần Việt của hệ thống treo phụ thuộc, cả hai bánh xe cùng được lắp trên một hộp cầu hoặc dầm cầu. Khi di chuyển, dao động của bánh nọ sẽ ảnh hưởng tới bánh kia. Các dòng xe tiêu biểu trang bị hệ thống cầu này (cầu sau) gồm có các mẫu SUV truyền thống như Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Toyota Land Cruiser/Fortuner/Prado, Lexus GX 460/LX 570, Mercedes-Benz G-Class, hầu hết các mẫu xe tải, xe bán tải, xe khách…
Trong khi đó, cầu mềm là cách gọi của hệ thống treo độc lập, mỗi bánh xe được lắp trên một tay đỡ riêng, gắn vào thân xe. Khi di chuyển, bánh xe bên trái và bên phải chuyển động độc lập với nhau. Các dòng xe tiêu biểu trang bị hệ thống treo này gồm có xe sedan phổ thông hạng C trở lên như Ford Focus, Mazda 3/6, Honda Civic/Accord, Toyota Camry; các dòng xe crossover cỡ vừa như Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Tucson/Hyundai Santa Fe. Hầu hết các dòng xe sang từ Đức của Audi, BMW, Mercedes hay Porsche đều sử dụng hệ thống cầu mềm.
1. Cấu tạo: Cầu cứng đơn giản hơn
Với cầu cứng (hệ thống treo phụ thuộc), cả hai bánh xe được đỡ bằng một hộp cầu xe hoặc dầm cầu. Phần tử đàn hồi có thể là lò xo (trên các dòng SUV hiện đại) hoặc bằng lá nhíp (trên các xe thương mại, xe bán tải). Trong khi đó, với cầu mềm (hệ thống treo độc lập), mỗi bánh xe được lắp trên một tay đỡ riêng, gắn vào thân xe. Cầu mềm có cấu tạo phức tạp hơn, nhiều chi tiết hơn. Có rất nhiều loại cầu mềm, trong đó đơn giản nhất là loại MacPherson, bên cạnh đó là một số loại phổ dụng như độc lập kiểu đa liên kết hay độc lập kiểu xương đòn kép.
2. Cân bằng thân xe: Cầu mềm vượt trội
Với xe trang bị cầu cứng, thân xe cần được nâng lên cao, để tạo khoảng trống dao động cho hệ thống giảm xóc. Chính vì vậy, trọng tâm của xe trang bị cầu cứng cũng sẽ cao. Với cầu mềm, cơ cấu tay đòn bắt trực tiếp vào thân xe, nên có thể hạ thấp trọng tâm. Do kết cấu và trọng tâm thân xe cao, xe trang bị cầu cứng dễ bị dao động và lắc ngang khi vào cua hơn so với xe cầu mềm. Bù lại, thân xe cao lại giúp xe phát huy lợi thế trong một số trường hợp như lội nước, vượt chướng ngại vật…
Xe cao sẽ bị lắc ngang khi ôm cua, nhưng lại lợi thế khi lội nước hoặc vượt chướng ngại vật (ảnh: Trần Giáp)
3. Khả năng bám đường: Cầu mềm hơn hẳn
Khi gặp chướng ngại vật, ổ gà hoặc đá lổn nhổn, độ dao động của hai bánh xe trên cùng một cầu của cầu cứng bị lệ thuộc vào nhau. Điều này sẽ làm cho độ bám của cả hai bánh xe giảm đi. Trong khi đó, với xe cầu mềm, dao động của một bánh không làm ảnh hưởng đến bánh còn lại, giúp thân xe cân bằng hơn, độ bám của cả hai lốp được đảm bảo tốt hơn.
Khi một bánh của xe cầu cứng (trái) leo lên chướng ngại vật, bánh kia cũng bị nghiêng theo và giảm độ bám. Với xe cầu mềm (phải) thì hạn chế được hiện tượng này.
Độ bám của lốp trên xe cầu cứng không tốt bằng xe cầu mềm trên đường xấu
4. Độ cứng và bền bỉ: Cầu cứng ưu việt hơn
Với kết cấu hộp cầu chứa trục láp bên trong, xe cầu cứng có độ cứng vững hơn rất nhiều so với xe cầu mềm và có khả năng chịu tải hay va đập lớn hơn. Đó là lý do khiến cầu cứng được sử dụng trên hầu hết xe tải, xe khách, xe bán tải… Trong khi đó, xe cầu mềm với các phần tử liên kết có thể dễ dàng bị hư hỏng hơn khi va đập và khả năng chịu tải nặng cũng kém hơn.
5. Khả năng offroad: Ưu thế thuộc về cầu cứng
Xe cầu cứng và khung gầm rời phù hợp với các loại đường gồ ghề hoặc địa hình (không có đường). Với các dòng xe SUV thế hệ mới trang bị cầu cứng và lò xo (như Everest, Fortuner, Pajero Sport…), sự êm dịu khi di chuyển trên địa hình xấu còn được cải thiện nhờ hệ thống gối đỡ giữa chassis và thân xe (chassis rời), khiến người ngồi bên trong không có cảm giác khó chịu như xe chassis liền.
Cầu cứng giúp xe hoạt động bền bỉ và chịu va đập tốt
6. Trọng lượng: Cầu cứng nặng hơn
Cầu cứng mặc dù có cấu tạo đơn giản hơn, nhưng lại thường nặng hơn cầu mềm. Lý do là cầu cứng cần có hộp cầu lớn, bên trong có thể chứa trục truyền động (ở cầu dẫn động). Chính vì trọng lượng lớn, cộng với một số nhược điểm khác (trình bày bên dưới) nên cầu cứng chỉ phổ biến trên các dòng xe cỡ lớn.
Cầu cứng phía sau của xe bán tải chứa trục láp, kết cấu to khỏe và rất nặng
7. Chi phí bảo dưỡng: Cầu cứng thấp hơn
Cầu cứng gần như chẳng có gì để hỏng trong điều kiện sử dụng hàng chục năm, với chế độ bảo dưỡng định kỳ như khuyến cáo của nhà sản xuất. Chi phí bảo dưỡng không đáng kể, do việc bảo dưỡng rất đơn giản, chủ yếu là việc thay thế dầu mỡ hoặc đệm nhíp (với xe sử dụng lá nhíp). Trong khi đó, cầu mềm với nhiều khớp cử động đa chiều (rô-tuyn) hay cao su cân bằng có thể hư hỏng nhanh hơn, với chi phí bảo dưỡng hay thay thế tốn kém hơn.
Hệ thống treo của Ford Ranger có thể bền bỉ cả chục năm với chi phí bảo dưỡng rất thấp
8. Ảnh hưởng đến độ bền lốp: Cầu cứng ít ảnh hưởng hơn
Với cầu cứng, hai bánh xe được bắt cố định vào hai bên đầu trục ở hai đầu cầu. Chính vì vậy, khoảng cách và định vị của bánh xe không bị thay đổi trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi bị va chạm, đi qua các ổ gà… Còn với cầu mềm, góc đặt bánh xe rất có thể sẽ bị lệch sau một thời gian sử dụng, đặc biệt là khi bánh xe va vào mép ổ gà hoặc vỉa hè, khiến lốp bị mòn không đều. Vì thế, các dòng xe lắp cầu mềm thường phải đi căn chỉnh lại góc đặt bánh xe thường xuyên hơn.
Hệ thống treo thanh chịu xoắn – “nửa nạc nửa mỡ”
Đây là hệ thống treo bán độc lập do chuyển động của hai bên bánh xe không phụ thuộc hoàn toàn vào nhau thanh dầm có thể vặn xoắn. Hệ thống này được sử dụng chủ yếu cho hệ thống treo sau của các xe có động cơ đặt phía trước và dẫn động bằng bánh trước.
Hyundai Grand i10 2020 là mẫu xe sử dụng hệ thống treo thanh xoắn
Ưu điểm của hệ thống treo này là đơn giản, tin cậy và bền bỉ, êm ái trên đường nhựa. Tuy nhiên, hệ thống treo này cũng có nhược điểm là thiếu độ linh hoạt trên đường xấu, làm cho thân xe lắc lư nhiều hơn. Ngoài ra, treo kiểu thanh chịu xoắn có khả năng chịu tải không cao, nên thường chỉ được dùng trên những dòng xe cỡ nhỏ. Hầu hết các mẫu xe phổ thông hạng A và B tại Việt Nam đều sử dụng hệ thống treo này.
Với tất cả những khác biệt trên, cầu cứng thường được trang bị cho xe thương mại hoặc xe địa hình đa dụng, đòi hỏi bền bỉ và chi phí thấp, nhưng cũng khiến gầm xe phải cao hơn. Xét ở khía cạnh khác, gầm xe cao lại là ưu điểm, giúp xe vượt địa hình thuận lợi hơn. Trong khi đó, cầu mềm linh hoạt và giúp xe ổn định hơn khi ôm cua và tốc độ cao, là lựa chọn của xe du lịch trên đường nhựa.
Theo: topcarvn.com
Để lại một bình luận