Trao đổi trên báo VnExpress, sau cuộc họp kín lấy ý kiến về điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt giữa tuần qua, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, sẽ giữ nguyên đề xuất về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu như đã trình trước đây, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016.
Cụ thể, giá tính thuế sẽ là giá bán ra của nhà nhập khẩu thay vì giá CIF nhập về đã có thuế nhập khẩu như trước đây. Đây cũng là cách tính thuế mà các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước vẫn thực hiện. Với phương án mới này, giá thuế tiêu thụ đặc biệt phải cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý, chi phí bán hàng, quảng cáo… Theo cơ quan soạn thảo, việc thay đổi này sẽ tạo ra sự công bằng và thống nhất giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.
So sánh cách tính thuế TTĐB với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc dưới 24 chỗ
Cũ:
Thời điểm tính: Ngay khi nhập về Giá tính thuế:
Giá CIF + thuế nhập khẩu
Mới:
Thời điểm tính: Trước khi nhà nhập khẩu bán ra Giá tính thuế:
Giá bán ra (Giá CIF + thuế nhập khẩu + cước vận chuyển + chi phí quảng cáo, bán hàng + lợi nhuận doanh nghiệp; không bao gồm thuế VAT, phí môi trường).
Trước đó, ngay khi đề xuất này lần đầu được đưa ra, các doanh nghiệp nhập khẩu đã gửi kiến nghị phản đối lên Bộ Tài chính bởi họ lo ngại về khả năng ôtô nhập khẩu sẽ tăng giá và gây nhiều tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Mặc dù vậy, tại cuộc họp vừa được Bộ Tài chính tổ chức nhằm lấy ý kiến các bên về việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện cơ quan này cho biết nhiều doanh nghiệp lại bắt đầu tỏ ra đồng tình với đề xuất mới. “Rất nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng các doanh nghiệp nhập khẩu cơ bản tán đồng. Có thể do trước họ hiểu không đầy đủ”, vị này nói.
Dù giữ tinh thần giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá nhà nhập khẩu bán ra nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu chỉnh sửa lại đôi chỗ để nhận được sự đồng thuận từ các bên.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu dòng xe sang của châu Âu cũng nhìn nhận “cánh cửa hẹp” trong việc được giữ nguyên cách tính thuế cũ (tính thuế tiêu thụ đặc biệt ngay khi nhập khẩu).
“Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm và đề xuất của mình. Hơn nữa, bản thân một số thành viên VAMA trong cuộc họp kín hôm qua lại thay đổi quan điểm hoàn toàn khiến những lập luận chúng tôi đưa ra không còn cơ sở nữa”, ông kể lại.
Cụ thể, tại cuộc họp kín hôm 27/5, thay vì bàn về cách thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ tịch VAMA – lãnh đạo của Toyota lại tập trung đưa câu chuyện về các đề xuất giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Toshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, người hiện là chủ tịch luân phiên của VAMA, còn đề xuất với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, chuyển từ giá bán buôn sang giá xuất xưởng.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, kiến nghị này không phù hợp bởi tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, cách tính như vậy sẽ gộp cả số lỗ của những người kinh doanh. “Hơn nữa, việc xác định ưu đãi, bảo hộ cho phát triển ngành ôtô là một câu chuyện khác, chúng ta sẽ bàn ở những cuộc họp khác”, vị này chia sẻ.
Bảo hộ doanh nghiệp lắp ráp trong nước?
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, với thay đổi trong cách tính thuế TTĐB như trên, chính sách này là một trong những biện pháp để bảo hộ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.
“Có lẽ sau một vài lần Toyoto và doanh nghiệp khác doạ rút khỏi Việt Nam thì phía Bộ biết rằng khó mà giữ chân được họ nếu không làm gì cả. Đây là sự thất bại trông thấy rõ ràng của ngành công nghiệp ô tô trong nước, vậy nên Bộ đã thay đổi cách tính thuế, cộng thêm các chi phí khác vào ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để bảo vệ doanh nghiệp lắp ráp trong nước”.
Nhưng vấn đề được ông Sơn đặt ra là, tại sao bao nhiêu năm nay các cơ quan quản lý không làm việc này mà đến khi gần trắng tay mới chịu hành động?
“Có thể có những lợi ích nhóm trong đó. Cơ quan quản lý có thể đã chiều doanh nghiệp ô tô ngoại bằng cách để cho chính sách thuế sơ hở cho họ làm ăn và bây giờ, khi lợi ích quốc gia bị gây tổn hại thì mới bắt tay vào làm. Đây có lẽ là cuộc đấu tranh giữa hai bên và phía Việt Nam đã bị dồn vào chân tường, hoặc chấp nhận mất tất cả, chẳng còn ngành lắp ráp ô tô gì hết nên mới hành động”.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng cũng đồng tình khi cho rằng, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu là biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, đây là một phương án đúng vì bản chất của thuế TTĐB là đánh vào tiêu thụ chứ không phải giá thành, tương tự như cách tính của thuế VAT.
“Tôi ủng hộ phương án này nếu như những cam kết chi tiết về các loại thuế của Việt Nam vẫn được đảm bảo. Tôi chưa rõ Việt Nam cam kết với quốc tế sẽ dỡ bỏ những loại thuế cụ thể nào đối với ô tô, nhưng nếu chỉ cam kết loại bỏ rào cản ở cửa khẩu thì Việt Nam chỉ có trách nhiệm hạ mức thuế nhập khẩu và việc thay đổi cách tính thuế TTĐB là phù hợp. Phải phân định rạch ròi rào cản ở ngoài cổng và những luật lệ bên trong căn nhà. Xét về bản chất, việc này không cản trở những cam kết về thuế quan”.
Theo các chuyên gia, với thay đổi trong cách tính thuế TTĐB như trên, chính sách này là một trong những biện pháp để bảo hộ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước
Chỉ người tiêu dùng chịu thiệt
Thông tin trên báo Đất Việt, cho rằng cách tính thuế TTĐB mới là hợp lý nhưng theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, biện pháp này có hiệu quả hay không lại là vấn đề khác.
“Nếu cơ quan quản lý thực hiện được cơ chế điều tiết này thì có thể đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhưng với điều kiện Nhà nước chỉ tạo cơ hội, còn việc ngành ô tô trong nước có phát triển thực sự được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.
Trong trường hợp các doanh nghiệp trong nước lạm dụng sự bảo hộ của Nhà nước để chây ỳ, không đầu tư phát triển, không đặt người tiêu dùng vào vị trí tối thượng để bảo vệ họ bằng cách nâng cao chất lượng, tăng cường sản lượng… thì rõ ràng cái van thuế quan sẽ là cái van bảo hộ cho sản xuất trong nước mà không có cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy, đây không phải là giải pháp hay về dài hạn nếu các doanh nghiệp không chịu phát triển”, ông Sơn phân tích.
Còn ở góc độ người tiêu dùng, rõ ràng sẽ chịu thiệt vì phải mua xe nhập khẩu với giá cao hơn, ông Sơn chỉ rõ. Nếu các doanh nghiệp trong nước không tự cải tiến để phát triển, xây dựng ngành ô tô thực sự có thế mạnh và tạo được niềm tin thì người tiêu dùng sẽ hứng trọn hậu quả.
Dù vậy, vị giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng dự đoán điều này chưa chắc đã làm giảm sức tiêu thụ của thị trường.
Ông lý giải: “Người Việt Nam có thói quen tiêu dùng khá kỳ lạ: giá càng cao thì càng thích vì như vậy nó thể hiện sự hoành tráng, đẳng cấp. Hơn nữa, người có tiền để mua ô tô nhập khẩu nguyên chiếc thường không thuộc giới bình dân, nó có một phân khúc khá riêng biệt. Nếu quả thực cơ quan quản lý muốn thay đổi cách tính thuế TTĐB để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách thì đây là giải pháp hiệu quả, nhưng nếu để điều tiết tiêu dùng thì chưa chắc đã thành công”.
Theo Đời sống pháp luật
Để lại một bình luận